Đó là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh trong buổi làm việc với Cục Việc làm ngày 27/5/2021. Buổi làm việc của Lãnh đạo Bộ với Cục Việc làm có sự tham gia của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các Thứ trưởng: Lê Văn Thanh, Lê Tấn Dũng, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Bá Hoan, Nguyễn Văn Hồi cùng đại diện một số đơn vị liên quan thuộc Bộ.
Tại buổi làm việc, thay mặt Ban lãnh đạo Cục Việc làm, Cục trưởng Vũ Trọng Bình đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của Cục thực hiện trong thời gian vừa qua và các đề xuất kiến nghị trong thời gian tới, qua đó, cho biết: Từ năm 2020 đến nay, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Việc làm đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền ký ban hành 03 Nghị định,02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 01 Thông tư. Đồng thời, đã tham gia với các cơ quan, đơn vị trình các cấp có thẩm quyền ban hành các Nghị Quyết, Quyết định, Nghị định quan trọng như: Nghị Quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Đại dịch Covid – 19 (ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP); Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Đại dịch Covid – 19 (Ngày 19/10/2020, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg);... Bên cạnh đó, đã chủ trì tham mưu cho Bộ xây dựng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về lao động, việc làm đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của công nhân lao động; Chủ trì tham mưu cho Ban cán sự Đảng của Bộ trong Tổng kết Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Tham gia cùng Văn phòng Bộ trong việc Tổng kết Nghị quyết số Quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Đại dịch Covid – 19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Đại dịch Covid – 19.
|
|
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình báo cáo tại buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ |
Thời gian qua, Cục Việc làm đã theo dõi, tổng hợp các chỉ tiêu về giải quyết việc làm; chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp, theo đó kết quả năm 2020: cả nước đã giải quyết việc làm cho 1,27 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,61%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 64,5% (trong đó tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ là 24,5%).
Công tác chuyên môn được Cục Việc làm đẩy mạnh, về lĩnh vực việc làm đã triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020 (riêng nội dung việc làm và thị trường lao động đã góp phần đầu tư nâng cao năng lực cho các Trung tâm Dịch vụ việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng trăm nghìn lượt lao động; kết nối việc làm thành công cho hàng ngàn thanh niên); đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi góp phần hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, lao động nữ và các nhóm đối tượng yếu thế như lao động là người khuyết tât, lao động là người dân tộc thiểu số,…
Trong lĩnh vực thị trường lao động, khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; chỉ tiêu thị trường lao động tiếp tục được cải thiện như chất lượng cung lao động tang lên, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tín cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên. Chất lượng việc làm dần được cải thiện, từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức.
Trong lĩnh vực Bảo hiểm thất nghiệp, việc thực hiện chính sách đã được người sử dụng lao động và người lao động đón nhận tích cực, được dư luận xã hội đánh giá là một trong những chính sách sớm đi vào cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua khi diễn ra dịch Covid – 19, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện rõ vai trò hỗ trợ, ổn định đời sống cho lượng lớn người lao động bị thất nghiệp, giảm gánh nặng hỗ trợ chi từ ngân sách nhà nước. Trong quá trình triển khai, công tác tuyên truyền, phô biến pháp luật, tập huấn chính sách, ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp với các địa phương trong triển khai, chỉ đạo, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc,… được thực hiện đồng bộ.
Trong lĩnh vực quản lý lao động, theo dõi, cập nhật các báo cáo của địa phương về tình hình lao động trong nước và lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thực hiện việc cấp phép lao động; chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động và xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho các đối tượng làm việc tại các tổ chức quốc tế, văn phòng của dự án nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức phi chính phủ, tổ chức sự nghiệp, cơ sở giáo dục và một số tổ chức khác,…
Kết thúc buổi làm việc, thông qua ý kiến của các Thứ trưởng và đại diện đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Việc làm là một trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và đối với đất nước. Trong đó, việc xác định cung cầu và dự báo thị trường lao động có tác động to lớn tới sự chuyển động của hàng loạt các vấn đề kinh tế xã hội. Đồng thời, khẳng định trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, công tác bám sát thông tin thị trường lao động việc làm, hướng dẫn chi trả bảo hiểm thất nghiệp và đẩy mạnh hoạt động hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển đổi nghề cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch. Với phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Việc làm đã chú ý triển khai thực hiện, bám sát các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ. Tham mưu ban hành kịp thời, đúng quy trình các văn bản hướng dẫn địa phương, thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành, hoàn thành các nhiệm vụ đột xuất phát sinh. Sự phối hợp giữa Cục Việc làm với các đơn vị liên quan đã có những chuyển biến tích cực song vẫn còn một số tồn tại một số hạn chế.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Cục tập trung quán triệt tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội về các chỉ tiêu lao động, việc làm, tỷ lệ thất nghiệp…Trong đó, phải tạo ra môi trường, động lực để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất và hiệu quả. Để đạt mục tiêu đó, điều quan trọng nhất là cần tập trung phát huy nhân tố lực lượng lao động, làm sao để lực lượng này trở thành mục tiêu, trung tâm và chủ thể và là nguồn lực chủ yếu để phát triển; cần tập trung nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của người nghèo, người yếu thế, lao động ở khu vực không có quan hệ lao động theo tinh thần của Bộ luật Lao động 2019; gắn với việc giải quyết tốt bảo hiểm thất nghiệp và phát huy Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trở thành công cụ quản trị thị trường lao động.
Định hướng cho hoạt động của Cục Việc làm trong năm 2021, Bộ trưởng yêu cầu phải khẩn trương rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lao động việc làm, phát hiện ra những bất cập, để kịp thời đề xuất Bộ sửa đổi, thay thế, bổ sung và điều chỉnh với tinh thần nhanh nhất, thông thoáng nhất và tất cả vì lợi ích của người lao động. Đồng thời, cần tập trung xây dựng hệ thống dự báo cung cầu lao động ngắn hạn và trung hạn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có tác động hiện nay, đánh giá tổng thể về quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Về vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu dự báo cung - cầu việc làm, cần lựa chọn những doanh nghiệp có tiềm lực và uy tín tham gia, trên cơ sở đó đề xuất trình lãnh đạo Bộ quyết định. Bộ trưởng mong muốn các đơn vị cùng chia sẻ, phối hợp cùng Cục Việc làm trong việc thực hiện nhiều nội dung công việc đã nêu tại cuộc họp./.
(Theo http://doe.gov.vn)